Kiểm định xe nâng là gi? Quy trình, thủ tục khi kiểm định

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành công nghiệp sản xuất, xe nâng hàng ngày càng trở nên phổ biến tại các công ty, đơn vị tư nhân. Theo đó, hình thức kiểm định chất lượng của xe nâng trở thành vấn đề được nhiều người sử dụng quan tâm. Vậy kiểm định xe nâng là gì? Lý do tại sao xe nâng cần kiểm định? Quy trình, thủ tục khi kiểm định như thế nào và diễn ra trong bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết mới nhất dưới đây.

I. Đôi nét về kiểm định xe nâng

Trước khi tìm hiểu về việc kiểm định xe nâng, bạn nên biết và hiểu rõ về xe nâng hàng. Vậy xe nâng hàng là gì? Xe nâng hay xe nâng hàng là loại xe công nghiệp chuyên dụng trong việc nâng hạ, di chuyển hàng hóa từ vị trí này tới vị trí khác. Đây là dòng xe chuyên sử dụng trong các nhà máy, xí nghiệp, kho vận,… nhằm giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển.Tùy thuộc vào từng nhu cầu công việc, công năng, thiết kế hay loại năng lượng sử dụng mà xe nâng được chia thành nhiều loại khác nhau như: Xe nâng dầu, xe nâng điện, xe nâng tay,…

1. Kiểm định xe nâng là gì?

Kiểm định xe nâng hàng là quá trình kiểm tra, đánh giá tình trạng của xe dựa trên các tiêu chí, quy chuẩn hiện hành như: an toàn thiết bị, chất lượng kĩ thuật, thiết kế chế tạo,… nhằm đảm bảo xe được sản xuất đúng quy cách, an toàn trong quá trình vận hành. Các dòng sản phẩm như: xe nâng dầu, xe nâng điện, xe nâng tay hay xe nâng tải trọng lớn đều cần phải được điểm định kĩ càng, nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn lao động.

2. Tại sao cần kiểm định xe nâng?

Nhằm xác định chính xác nguồn gốc xuất xứ, đánh giá chất lượng xe khi xuất xưởng có điểm bất thường xảy ra hay không cũng như đảm bảo an toàn lao động theo theo bộ luật của nhà nước. Doanh nghiệp, cá nhân sử dụng xe nâng hàng nói chung cần phải thực hiện kiểm định cho xe nâng trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, khi kiểm định xe nâng hàng, bạn còn nhận được một vài lợi ích như:

  • Kiểm tra, xác định rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của xe.
  • Đánh giá chính xác tình trạng xe khi xuất xưởng có đáp ứng được nhu cầu đầu ra.
  • Phát hiện các rủi ro, sai lệch trên xe nâng do lỗi từ phía nhà sản xuất.
  • Đảm bảo an toàn lao động trước khi xe nâng được đưa vào sử dụng.
  • Có giấy tờ pháp lý cho các vấn đề xoay quanh như: bảo hiểm, thuế,…
Tại sao phải kiểm định xe nâng
Tại sao phải kiểm định xe nâng?

3. Các quy định, tiêu chuẩn áp dụng trong quá trình kiểm định xe nâng hàng

Hiện nay, việc kiểm định xe nâng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều cho người sử dụng nhờ hệ thống quy chuẩn, quy định được ban hành bởi cơ quan chức năng của nhà nước. Cụ thể:

  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ, có tải trọng từ 1000 kg trở lên (QCVN 25:2015/BLĐTBXH).
  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra phương tiện, thiết bị tháo dỡ (QCVN 22:2010/BGTVT).
  • Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy, thiết bị di chuyển chuyên dụng (QCVN 13:2011/BGTVT).
  • Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn xe nâng hàng (QTKĐ: 17-2016/BLĐTBXH).
  • Quy định về thiết kế, chế tạo và kiểm tra kĩ thuật của thiết bị nâng (TCVN 4244:2005).
  • Yêu cầu an toàn đối với hệ thống thủy lực (TCVN 4755:1989).
  • Kiểm tra mức độ an toàn đối với máy nâng hạ, cẩu container (TCVN 5207:1990).
  • Yêu cầu về thử nghiệm thiết bị thủy lực (TCVN 5179:1990).
  • Xe máy và thiết bị thi công di động. (TCVN 7772:2007),

II. Quy trình kiểm định xe nâng hàng

Trên thị trường có rất nhiều loại xe nâng với thiết kế, chức năng khác nhau. Quy trình kiểm định xe nâng gồm 4 phần chính: Kiểm duyệt hồ sơ, giấy tờ xe; khám xét, đánh giá kĩ thuật xe; kiểm thử vận hành xe khi có tải và không tải; xử lý kết quả kiểm tra và phát hành giấy chứng nhận kiểm định xe nâng.

Kiểm tra hồ sơ, giấy tờ kĩ thuật của xe

  • Kiểm tra hồ sơ xuất xưởng
  • Kiểm tra hồ sơ hướng dẫn vận hành, bảo trì, sửa chữa.
  • Kiểm tra, đánh giá hồ sơ kiểm định trước đó (nếu có).
  • Kiểm tra các giấy tờ, tiêu chuẩn kĩ thuật của xe.

Kiểm tra, đánh giá thông số, thiết kế xe

  • Kiểm tra tem mác, dãn nhãn.
  • Kiểm tra, đối chiếu tem nhôm (nameplate) thông số kĩ thuật của xe với thông số trên giấy tờ xuất xưởng.
  • Kiểm tra tình trạng kĩ thuật khung, gầm, thân vỏ, khối đối trọng, buồng lái.
  • Kiểm tra tình trạng kĩ thuật bộ phận làm việc (Khung nâng, càng nâng, xích nâng,…)
  • Kiểm tra, đánh giá hệ thống thủy lực.
  • Kiểm tra hệ thống di chuyển.
  • Kiểm tra động cơ, hệ thống làm mát.
  • Đánh giá  kĩ thuật hệ thống an toàn (đèn tín hiệu, đèn cảnh báo, phanh, gương, hệ thống tản nhiệt,…)
  • Xem xét các vấn đề có thể xảy ra trên xe nâng như nứt vỡ khung, thân xe hoặc bộ phận làm việc bằng cách siêu âm hoặc bột từ tính.
Quy trình kiểm định xe nâng
Quy trình kiểm định xe nâng

Kiểm tra, thử nghiệm vận hành xe nâng khi có tải và không tải

Lưu ý: Phần kiểm thử này chỉ được thực hiện sau khi xe nâng đã vượt qua các bước kiểm tra ở trên.

  • Kiểm thử hoạt động của xe khi không có tải (hệ thống nâng hạ thủy lực, hệ thống di chuyển, hệ thống phanh an toàn, đèn tín hiểu.
  • Kiểm thử hoạt động của xe khi có tải.
    • Thử tĩnh (Xe và khối hàng đứng yên): Trọng lượng thử khoảng 125% tại trọng định mức an toàn (SWL) theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Khi thử tải, xe nâng đứng yên và hàng hóa được nâng lên độ cao 100-200mm so với mặt đất.
    • Thử động (nâng hạ hàng hóa và cho xe di chuyển): Trọng lượng thử ~110% tải trọng định mức an toàn (SWL) theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Khi thử tải, hàng hóa được nâng, hạ liên tục 3 lần và xe nâng di chuyển khi nâng hàng.
  • Kiểm tra hệ thống phanh của xe. Tải trọng thử ~100% tại trọng định mức an toàn(SWL) theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Xe được dừng giữa dốc (có độ dốc kiểm thử tùy thuộc vào thông số cung cấp từ nhà sản xuất), kéo phanh và duy trì trong vòng 1 phút.
Kiểm tra thông số kĩ thuật của xe

Xử lý kết quả và phát hành giấy chứng nhận kiểm định xe nâng hàng

Sau khi hoàn thành các hạng mục kiểm định bên trên, kiểm định viên hay người giám sát sẽ lập biên bản và đánh giá kết quả kiểm tra. Khi xe nâng hàng đạt tiêu chuẩn và vượt qua các bài kiểm tra sẽ được dán tem kiểm định và ban hành giấy tờ pháp lý chứng minh.

III. Một vài câu hỏi liên quan

1. Khi nào thì nên kiểm định xe nâng?

Việc kiểm định xe nâng hàng liên quan tới an toàn lao động, chất lượng xe, giấy tờ pháp lý,… Do đó, người sử dụng cần phải chuẩn bị kiểm định xe nâng đúng thời điểm để hạn chế tối đa rủi so, sự cố có thể phát sinh. Dưới đây là một vài thời điểm chỉ định cần phải kiểm định xe nâng, cụ thể:

  • Kiểm định xe nâng sau khi xuất xưởng và trước khi đưa vào sử dụng lần đầu.
  • Kiểm định an toàn xe nâng định kỳ 2 năm/lần.
  • Đối với xe đã hoạt động hơn 10 năm, thời hạn kiểm định an toàn xe nâng là 1 năm/lần.
  • Kiểm định đột xuất: Đây là chế độ kiểm định được tiến hành khi nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng đối với người sử dụng khi xe nâng có những thay đổi về cấu trúc, sửa chữa.

2. Xe nâng tay có phải kiểm định không?

Xe nâng tay hay các loại xe nâng thô sơ, xe nâng cỡ nhỏ khác đều được nhà nước quy định vào danh mục thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Do đó, xe nâng tay cần phải được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ thường xuyên nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế tối đa các rủi ro cho người sử dụng.

Ngoài vấn đề phải kiểm định do quy định của nhà nước. Trên thực tế, việc kiểm định xe nâng tay hầu hết đều xuất phát từ người sử dụng với mong muốn xác minh nguồn gốc xuất xứ cũng như kiểm tra an độ an toàn của sản phẩm nhằm phòng tránh các tai nạn xe nâng, sự cố có thể phát sinh trong quá trình sử dụng.

3. Chi phí kiểm định xe nâng là bao nhiêu?

Chi phí cho quá trình kiểm định được nhà nước quy định mức giá tối thiểu theo thông tư số 41/TT/2016/BLĐTBXH dựa trên tải trọng nâng của xe mà nhà sản xuất đã công bố. Trên thực tế, tùy thuộc vào thời điểm đăng kiểm, đơn vị cung cấp dịch vụ, các vấn đề phát sinh mà chi phí đăng kiểm xe nâng có thể phát sinh vượt ngoài mức giá theo quy định từ 600.000-2.000.000 vnđ. Vì vậy, để nắm chính xác mức giá kiểm định xe nâng, người sử dụng nên liên hệ trực tiếp tới các đơn vị được cấp phép hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để được tư vấn hỗ trợ.

Chi phí kiểm định xe nâng là bao nhiêu
Chi phí kiểm định xe nâng là bao nhiêu

4. Đơn vị nào được phép kiểm định xe nâng?

Việc kiểm định an toàn cho xe nâng hàng hiện nay đã được nhà nước phê duyệt là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Chỉ các đơn vị, tổ chức các nhân được nhà nước cấp phép mới đủ điều kiện và thẩm quyền để thực hiện công việc ngày.

Tuy nhiên, việc xác minh một đơn vị có đủ điểu kiện, thẩm quyền trong việc kiểm định xe nâng hay không lại không phải là chuyện dễ dàng với hầu hết khách hàng. Do đó, để hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh khi thực hiện việc đăng kiểm xe nâng, khách hàng nên tìm đến các cơ sở, trung tâm kiểm định của nhà nước để việc kiểm định xe có kết quả chính xác, tin cậy, khách quan nhất.

Trên đây là một vài thông tin hữu ích về việc kiểm định xe nâng hàng được chúng tôi cung cấp. Mong rằng, qua bài viết trên, khách hàng đã có thêm kiến thức về việc kiểm định xe nâng hàng. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn, thắc mắc hoặc chưa tìm kiếm được giải pháp nâng hạ hàng hóa phù hợp cho doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay tới chúng tôi qua Hotline: 0975.64.5225 để nhận được sự tư vấn kịp thời nhất từ đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm.